Phùng Thị Ánh Nguyệt
Môn Ngữ văn trong nhà trường trung học nhất là bậc THPT đã
có từ rất lâu đời. Tuy nhiên một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay đó là
tình trạng học sinh lười học, ngại học, chán học môn Ngữ văn nói chung và đặc
biệt là những giờ Văn học sử nói riêng. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy
học để thu hút sự chú ý, đam mê đối với việc học môn Văn là điều khiến nhiều
giáo viên ngày đêm trăn trở.
Tìm hiểu lí do vì sao học sinh ít hứng thú với việc học các
bài văn học sử trong chương trình, đầu tiên phải nói đến nguyên nhân khách
quan, các bài văn học sử nhìn chung là những nhận định của các nhà nghiên cứu
về văn học về lịch sử văn học dân tộc trong cái nhìn bao quát của cả một nền
văn học, từng bộ phận, từng thời kì văn học và từng tác gia văn học. Đây là
những bài khá dài, được phân phối trong khoảng từ 2 đến 3 tiết. Đa số kiến thức
được cung cấp mang tính khái quát cao, lượng thông tin lại gắn với nhiều kiến
thức liên môn. Bên cạnh đó kiến thức ở các bài văn học sử thường khô khan và
dài hơn so với các phân môn khác.
Về phía GV, khi dạy bài văn học sử đa số đều truyền đạt cho học sinh bằng cách tái hiện lại kiến thức
ở sách giáo khoa, ít cung cấp thêm hoặc có cung cấp tri thức nhưng rất hạn chế,
ít liên hệ thực tế, mở mang tầm hiểu biết cho học sinh đặc biệt là các kiến
thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, địa
lí, triết học... liên quan đến bài học. Đó là một thực tế thật đáng buồn. Điều
này xuất phát từ tâm lí khi dạy bài học này, GV thường sợ thiếu hụt thời gian
để chuyển tải kiến thức vừa nhiều vừa rộng, nên đại đa số chọn phương pháp
thuyết trình kết hợp diễn giảng để bảo đảm đủ thời gian quy định.
Chính điều này dẫn đến hệ quả tất yếu đó là học sinh cảm
thấy căng thẳng, nhàm chán, thụ động và dần dần mất hẳn hứng thú đối với việc
học các bài văn học sử.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng giáo viên và học sinh
cảm thấy thiếu hứng thú, đam mê với các giờ văn học sử nữa chính là những khác
biệt về kinh nghiệm sống, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, thể loại ... khiến cho
tầm đón nhận của học sinh gặp nhiều hạn chế. Vì vậy cả phía GV và học sinh ngại
tìm tòi, sợ va chạm các kiến thức về lịch sử, văn hóa, và xã hội ... liên quan
đến bài học.
Làm thế nào để thu hút sự chú ý và hứng thú của giờ văn học
sử? Làm thế nào để học sinh không thờ ơ
với bài học? Làm thế nào để học sinh hình thành những thói quen tốt trong học
tập? Làm thế nào để học sinh hiểu rõ hơn về nền văn học Việt Nam... Đó là câu
hỏi khó đang cần lời giải đáp từ cả phía GV và học sinh.
Thời gian qua, trong giờ dạy văn học sử, đa số GV đã tự ý
thức được việc cần đổi mới phương pháp. Chủ động tìm tòi, học hỏi thêm kinh
nghiệm dạy học, làm sao cho từng tiết học phù hợp với từng đối tượng học sinh
cụ thể, tăng cường sự chú ý của học sinh, để các em không còn cảm thấy nặng nề
và nhàm chán khi tiếp xúc với một khối lượng kiến thức lớn liên quan đến nhiều
môn học khác nhau trong bài văn học sử.
Một trong những vấn đề mà GV hướng đến trước tiên đó chính
là dạy văn học sử theo hướng tích hợp liên môn gắn với phát triển năng lực học
sinh. Quá trình này đòi hỏi học sinh phải chủ động tìm tòi kiến thức, trở thành
trung tâm của giờ học.
Để làm được điều đó, trước hết GV cần trang bị cho mình một
vốn kiến thức vững chắc, tham khảo các tài liệu ở các lĩnh vực liên quan đến
nội dung của bài văn học sử như kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, những sự
kiện xảy ra trong quá khứ... Không nhất thiết phải cung cấp đầy đủ, nhưng GV
cần khơi gợi các kiến thức liên quan đến bài học, điều đó sẽ kích thích các em
hứng thú, tìm tòi và liên hệ với những gì mình đã được học từ trước. Những kiến thức ấy sẽ giúp ích cho việc khôi
phục và tái hiện hình ảnh, bối cảnh xã hội trong quá khứ và từ đó học sinh sẽ
hình thành tầm đón nhận phù hợp, dễ dàng hòa nhập với nội dung của bài học.
Tích hợp với kiến thức về lịch sử: đây là
một trong những kiến thức hữu ích nhất có liên quan gần gũi, mật thiết với nội
dung các bài văn học sử đặc biệt là kiểu bài khái quát về thời kì văn học.
Khi dạy
bài Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế
kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, GV có thể cho học sinh xem các tư
liệu về bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam từ những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế
kỉ XX. Xã hội Việt Nam có sự thay đổi và phân hóa mạnh mẽ từ khi thực dân Pháp
sang xâm lược. Bối cảnh ấy đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền văn
học thời kì này. Hình thành nên những đặc điểm riêng biệt và những thành tựu
rực rỡ trong suốt 45 năm phát triển.
Bằng sự hiểu biết riêng của bản thân,
kết hợp với việc quan sát và cảm nhận từ đoạn phim tư liệu mà GV cung cấp học
sinh sẽ phần nào hiểu được sự thay đổi, phát triển và cả những giá trị lớn lao
của văn học giai đoạn này. Hơn nữa, với sự hiện đại của công nghệ hiện nay việc
quan sát bằng hình ảnh kết hợp với âm thanh sẽ giúp học sinh có ấn tượng sâu
sắc hơn về bài học.
Tích hợp với kiến thức văn hóa, xã
hội: đối với bài văn học sử, bối cảnh văn hóa thực sự có tác
động không nhỏ đối với quá trình hình thành và phát triển của văn học.
Cũng xin dẫn ví dụ từ bài học trên,
khi thực dân Pháp sang xâm lược và thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa, xã
hội Việt Nam trước khi Pháp sang xâm lược là xã hội phong kiến trở thành chế độ
xã hội nửa thực dân nửa phong kiến, có sự biến đổi sâu sắc về cơ cấu và phá vỡ
tất cả mọi mối quan hệ thường thấy lâu đời. Các tầng lớp mới xuất hiện hình
thành những nhu cầu thị hiếu, thẩm mĩ khác nhau góp phần thúc đẩy nền văn học
phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng.
Bên cạnh đó, khi dạy các bài văn học sử, GV có thể tích hợp,
vận dụng thêm một số kiến thức liên quan như giáo dục công dân, đạo đức, kĩ
năng sống... Giúp học sinh có thể liên hệ kiến thức đang học với những kiến
thức từ thực tế cuộc sống. Mục đích nhằm giúp các em hiểu đúng, đủ và sâu hơn
kiến thức trong bài đồng thời mở rộng vốn hiểu biết của mình sang những lĩnh
vực khác có liên quan mật thiết với nội dung bài học.
Tuy nhiên tích hợp như thế nào để vừa đúng, đủ, có sự chọn
lọc phù hợp và thật sự cần thiết để phát huy tối hiệu quả là điều mà mỗi GV cần
hướng đến. Bởi suy cho cùng, HS mới
chính là đối tượng trung tâm của quá trình dạy và học. Mục đích cao nhất vẫn là
giúp HS phát huy tối đa năng lực, chủ động tham gia vào quá trình chiếm lĩnh
tri thức và hình thành cho mình những kĩ năng cần thiết. Sau mỗi bài văn học
sử, học sinh tự trang bị cho mình những tri thức cần thiết, cơ bản nhất để rồi
vận dụng vào việc học và đọc và hiểu
những tác phẩm văn học cụ thể của từng giai đoạn, từng thời kì văn học
nhất định. Bên cạnh đó HS biết cách vận dụng kiến thức ấy khi thực hành những
dạng đề có liên quan đến nội dung bài học.
Song song với quá trình vận dụng kiến thức liên môn, GV cũng
cần chú trọng việc rèn luyện và phát triển năng lực cho học sinh thông qua các
bài văn học sử. Đây là một trong những việc làm thật sự cần thiết bởi khi nào
tự mình chiếm lĩnh tri thức học sinh mới biết trân trọng, yêu quý những giá trị
văn hóa tinh thần mà cha ông để lại, có thái độ và cách hành xử đúng mực. Đó
cũng là cách để giúp học sinh trưởng thành hơn mỗi ngày sau mỗi bài học.
Qua bài văn học sử, GV có thể rèn luyện cho học sinh kĩ năng
đọc hiểu, khái quát vấn đề. Hình thành kĩ năng tự học ở mỗi học sinh, có thể
cho học sinh hoạt động nhóm để giúp các em chủ động tìm tòi kiến thức, làm việc
cùng nhau, trình bày một vấn đề trước tập thể lớp. Nhờ đó các em sẽ tự tin hơn
trong giao tiếp, biết cách hợp tác với nhau để đạt hiệu quả cao nhất khi làm
việc nhóm. Khi công việc hoàn thành cũng chính là lúc các em nhận ra sự hòa
đồng, hợp tác, bổ sung cho nhau những mặt mạnh, mặt yếu... Đồng thời cũng hạn
chế tối đa việc GV thuyết trình và giảng giải những kiến thức của bài học một
cách khô khan và nhàm chán dẫn đến tình trạng thiếu hứng thú khi học các bài
văn học sử.
Bên cạnh đó, GV có thể cho học sinh làm bài tập trắc nghiệm
khách quan với nhiều lựa chọn ngay trong lúc tìm hiểu nội dung bài học cũng
giúp các em hứng thú với bài học hơn, việc làm này vừa giúp GV phân hóa được
đối tượng học sinh trong từng giờ học và
cũng giúp học sinh khắc sâu, nhớ lâu hơn
những kiến thức mà mình còn yếu và thiếu.
Đổi mới phương pháp giảng dạy bài văn học sử theo hướng tích
hợp liên môn gắn với phát triển năng lực học sinh sẽ là chặng đường dài đòi hỏi
sự nỗ lực cố gắng của tất cả chúng ta. Đây chính là một cuộc chạy đua tiếp sức
của nhiều người để tìm ra và chinh phục đỉnh cao của tri thức. Vì vậy mỗi GV sẽ
tự xác định cho mình con đường đúng đắn nhất để đến với thành công.