MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC
CHỦ NHIỆM LỚP Ở TRƯỜNG THPT NGUYỄN HỮU CẢNH
Như
chúng ta đã biết, lứa tuổi học sinh bước vào trường THPT là giao thời giữa trẻ
con và người lớn. Ở lứa tuổi này, mọi diễn biến tâm sinh lý của các em khá phức
tạp và có nhiều chuyển biến. Do đó, để giáo dục, định hướng và tạo được một tập
thể lớp vững mạnh là một vấn đề đáng quan tâm của tất cả các giáo viên chủ nhiệm
(GVCN). Một tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết là động lực thúc đẩy tinh thần học
tập cũng như mọi hoạt động của các em. Mặt khác, khi GVCN làm tốt công tác chủ
nhiệm thì mới có điều kiện và thời gian hoàn thành tốt chuyên môn của mình. Qua
một thời gian đảm nhận công tác này, bản thân tôi xin mạnh dạn nêu lên một số
biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp như sau:
1. Tìm hiểu và nắm chắc đối tượng học sinh
Trên
cơ sở danh sách học sinh, chúng ta tiến hành khảo sát, tìm hiểu đối tượng học
sinh thông qua học bạ, sơ yếu lý lịch, bạn bè, gia đình, địa phương…….. Đây là
những thông tin ban đầu giúp GVCN có thể nhận biết và phân loại học sinh nhằm
giúp các em tự tin hơn khi đến trường, đến lớp. GVCN có thể phân loại học sinh
theo các nhóm như: Học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn; HS khuyết tật; HS có những
năng khiếu, năng lực đặc biệt; HS cần giúp đỡ thêm về học tập và giáo dục, rèn
luyện về hạnh kiểm…Những thông tin này GVCN cần cập nhật vào Sổ chủ nhiệm.
2. Xây dựng giáo án chủ nhiệm lớp hàng tuần,
tháng
Công
việc này tuy khá nhiều thời gian song nó giúp chúng ta xác định rõ ràng mục
đích, chỉ tiêu phấn đấu và các biện pháp chính cần triển khai. Trong giáo án chủ
nhiệm cần nêu rõ công việc cụ thể trong tuần. Từ đó, cần tập trung vào công tác
phối hợp giữa các lực lượng giáo dục để đạt được mục đích đề ra. Giáo án chủ
nhiệm cần đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả.
3.
Xây dựng
lớp có khả năng tự quản ngay từ ban đầu.
Đội ngũ cán sự
là những “cánh tay”, “đôi mắt”, “đôi tai” hỗ trợ đắc lực cho GVCN trong việc quản
lý lớp sát thực, hiệu quả. Những HS được chọn làm cán bộ lớp phải gương mẫu về
mọi mặt: Học tập, kỉ luật, tham gia các hoạt động, ứng xử với bạn bè… Có thể cần
đảm bảo một số tiêu chuẩn sau: Học lực từ khá trở lên; tính tình gương mẫu, thật
thà, thẳng thắn; năng động trong mọi hoạt động; có ý thức kỷ luật, được lớp tín
nhiệm cao; có điều kiện gia đình thuận lợi…Sau khi đã xây dựng được đội ngũ cán
sự lớp, GVCN lên kế hoạch họp với ban cán sự lớp ít nhất là một tháng một lần để
nắm bắt thông tin, bàn phương pháp phối hợp, cách thức tự quản. Trên cơ sở đó,
tìm biện pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh lại nề nếp của lớp qua từng ngày, tuần,
tháng, học kỳ.
4.
Sử dụng
biện pháp phù hợp đới với những học sinh yếu, kém
Một trong
những đặc điểm chung của các lớp ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh là năng lực,
trình độ, giới tính, hạnh kiểm…thiếu sự cân bằng và đồng đều. Tỷ lệ học sinh có
học lực từ TB khá đến giỏi đều tập trung ở học sinh nữ, trong khi đó tỷ lệ học
sinh có học lực yếu đều tập trung ở các học sinh nam. Phần lớn những học sinh
có học lực yếu, kém đều không muốn đi học. Do đó, GVCN cần tìm hiểu đầy đủ tất
cả các thông tin trên mọi phương diện về các em trước khi đưa ra biện pháp xử
lý. Cần tăng cường trao đổi, tâm sự, phân tích riêng với từng em; GVCN cần biết
nhập vai, biết lắng nghe các em nói, tạo cho các em có, cảm giác mình được chia
sẻ, quan tâm, cảm thông, thương yêu, giúp đỡ; giúp các em xóa bỏ “mặc cảm”,
khơi dậy lòng tự tin và dần hình thành ý thức tự giác, phấn đấu vươn lên.
GVCN
cần hết sức hạn chế việc chỉ trích các em trước tập thể lớp khi lần đầu các em
vi phạm. Tuy nhiên, sau khi đã sử dụng tất cả các biện pháp, tác động nhưng các
em vẫn không có sự chuyển biến tích cực, thậm chí còn gây ra những vi phạm
nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến tập thể lớp, trường thì GVCN cần thực hiện đúng
quy trình kỷ luật theo quy định.
Người viết:
Lê Thị Diệu Hằng